New Post

Friday, April 15, 2011

6
Nguyên tắc căn bản

 
 
Trước khi đi vào chi tiết về các thể loại đệm tay mặt, tôi xin trình bày một vài điều căn bản nhằm mục đích giúp các bạn có 1 cái khung (framework) để sau này có thể đệm tay mặt cho mọi bài hát:

1. Tìm xem bài nhạc thuộc nhịp gì ?:  

Nhìn vào 1 bài nhạc, bạn sẽ thấy các dòng nhạc được chia thành từng “ô nhịp” , cách nhau bởi 2 “vạch nhịp” .  Trong mỗi ô nhịp sẽ có một số nốt nhất định, được xác định ở sau bộ khóa nơi đầu bài nhạc bởi những con số như 2/4  ,  3/4  ,  6/8  v.v…

Các con số ở trên (tử số) như 2, 3, 6 v.v.. cho biết trong mỗi ô nhịp có bao nhiêu “phách”, tức là sẽ đưa tay đánh nhịp (hoặc lấy chân đập nhịp) bao nhiêu lần trong mỗi ô nhịp.

Các con số ở  dưới (mẫu số) như 4,8,16 v.v…cho biết mỗi lần đập nhịp như vậy (mỗi phách) thì có giá trị là bao nhiêu lâu.  Lấy nốt tròn làm đơn vị và mang ra chia 2, 4, 8 sẽ thấy 1 tròn = 2 trắng = 4 đen = 8 móc đơn  .  Số 4 có nghĩa là nốt đen, và 8 là nốt móc đơn v.v...

Như vậy, nhịp 2/4 có nghĩa là mỗi ô nhịp có 2 nốt đen ,  9/8 có nghĩa là mỗi ô nhịp có 9 nốt móc đơn và 12/8 sẽ có 12 móc đơn trong 1 ô nhịp.  Tuy nhiên trong thực tế thì không ai đập nhịp hết 6, 9, hay 12 lần trong mỗi ô nhịp vì như vậy sẽ … mỏi tay và rả chân lắm!  Do đó người ta chỉ lấy tay đánh nhịp 2, 3 hay 4 lần trong mỗi ô nhịp mà thôi.  Những bài nhạc có số 2,3,4 ( như 2/4 , 3/8 ,  4/4 ) đều thuộc loại này và được gọi chung là “nhịp đơn”

Với những bài mà số nhịp có tử số lớn hơn 2,3 hay 4 ( như 6/8, 9/8 , 12/8) thì đây là những “nhịp kép”, và muốn tìm “nhịp đơn tương ứng” thì dùng luật “trên chia 3, dưới chia 2” . Thí dụ, với nhịp 6 / 8 thì 6 chia 3 bằng 2  >>> 2 phách  , và 8 chia 2 bằng 4 >>> nốt đen.  Bài này có 2 phách, mỗi phách có giá trị 1 nốt “đen chấm” ( 1 đen + 1 móc đơn hay bằng 3 nốt móc đơn) .  Chỉ để ý đến tử số thì bài nhạc 6/8 thuộc nhịp 2,  và tương tự 9/8 thuộc nhịp 3 ,    12/8 thuộc nhịp 4 phách

Tóm tắt : Bước đầu tiên là cần tìm xem bài nhạc (hay đoạn nhạc) thuộc nhịp 2, 3, hay 4.

2. Ðịnh số lần “khảy” trong 1 ô nhịp
Khi dùng tay mặt để đàn, ta có thể “khảy “đàn bằng 1 ngón (cái, trỏ, giữa hoặc áp út : p – i – m -  a) hoặc đánh trải một nhóm nốt.  Hãy tạm thời gọi mỗi lần đàn như vậy là 1 “khảy”  (stroke) .

Với một bài thuộc nhịp 2 thì ta có thể đàn 2 “khảy” trong mỗi ô nhịp.  Thí dụ như trong khi tay trái bấm một hợp âm (C) thì tay mặt có thể đàn vài cách như sau:

a)      trải - trải  ( dùng ngón cái đánh trải 2 lần)
b)      cái - trải   ( dùng ngón cái đánh nốt bậc 1 của hợp âm - rồi sau đó đánh trải
c)      p – ima ( sau khi đàn phách 1 bằng ngón cái , đàn tiếp dây 1,2,3 bằng 3 ngón trỏ, giữa, áp út)

Nếu đàn môt cách từ đầu đến cuối mà không thay đổi như vậy thì nghe cũng chán, do đó bạn có thể tăng số “khảy” trong 1 ô nhịp lên gấp đôi ( nhân hai) để “khảy” 4 lần trong mỗi ô nhịp và đệm tay mặt như sau:

a)      p – i – m – a
b)      p – i  - ma - i
c)      p – ima – ima - ima

Tương tự, bạn có thể tăng số “khảy” trong mỗi ô nhịp lên gấp ba ( nhân 3) để “khảy” 6 lần trong mỗi ô nhịp và đệm như sau:
a)      p – i – m      –     a – m – i

Tóm tắt: với một bài nhịp hai, bạn có thể “khảy” 2 , 4 hay 6 lần trong một ô nhịp .  Tương tự, với nhịp ba thì có thể khảy 3,6,9 lần trong 1 ô nhịp,  và với nhịp 4 thì có thể khảy 4,8,12 lần

Những bài nhịp 2 thường là những hành khúc và lối đệm tay mặt rất giản dị như đã trình bày ở thí dụ trên

Những bài nhịp 3 thuộc loại luân vũ (valse) và cách đệm tay mặt cũng rất giản dị như ta sẽ thấy trong thí dụ phần đệm cho bài THU VÀNG của Cung Tiến sẽ trình bày sau

Những bài thuộc nhịp 4 rất đa dạng và gồm hầu hết những thể loại thông dụng mà ta sẽ lần lượt bàn đến trong những bài kế tiếp.

Ðể kết thúc bài đầu tiên trong phần kỹ thuật tay mặt này, tóm tắt thì bạn cần nhớ các điểm sau đây:
1.      Trước khi đệm, hãy nhìn xem bài nhạc thuộc nhịp 2, 3 hay 4
2.      Mỗi nhịp sẽ có 3 cách đệm từ chậm đến nhanh ( không đổi, nhân 2, nhân 3) với số “khảy” trong mỗi ô nhịp tăng từ bằng số phách (không đổi) lên gấp đôi (nhân 2) hoặc gấp ba (nhân 3)
3.      Khi đệm một bài nhạc thì cần thay đổi lối đệm theo 1 trong 3 cách nói trên cho linh động.  Thường nên bắt đầu bài với cách chậm (không đổi) rồi dần dần đổi lên nhanh hơn ( nhân 2 hoặc nhân 3) khi qua điệp khúc và trở lại chậm để hết.

Ta hãy nhìn vào thí dụ đệm bài THU VÀNG là một bài nhịp 3 (valse) ở phần sau...

0 nhận xét:

Post a Comment