New Post

Sunday, July 1, 2012


Do cách sống, thói quen sống mà con người trở thành tốt hay xấu. "Có ba điều làm hỏng một con người: rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ" - ý kiến ấy đúng, sai như thế nào?


1. Rượu có làm hỏng con người không? Loài người biết nấu rượu, chưng cất rượu và uống rượu đã khá lâu, có lẽ đã mấy nghìn năm. Rượu là một thứ thường được dùng trong các bữa cỗ, bữa tiệc. Rượu, hoa, trăng... là những thú chơi tao nhã của các tao nhân mặc khách xưa nay. Bạn tri âm tri kỉ, lúc tâm sự, lúc hàn huyên không thể không có rượu, vì thế mới có câu:


Tửu phùng tri kỉ thiên bôi thiểu,
Nhân bất đồng tâm bán cú đa.


Nói về thú thanh cao đọc sách và uống rượu, Nguyễn Trãi có câu thơ:


Sách một hai phiên làm bầu bạn,
Rượu năm ba chén đổi công danh.


(Tự thán - bài số 10, Quốc âm thi tập)


Trong dân gian có rượu tăm, rượu đế, rượu quốc lủi. Nghe nói trong các siêu thị hiện nay ở nước ta có những chai rượu ngoại bán mấy trăm "đô", mấy triệu đồng. Qua đó, ta thấy rượu và uống rượu chưa hẳn đã làm hỏng người. Chỉ có kẻ nghiện rượu, suốt đêm ngày say tuý luý thì rượu mới làm hư hỏng con người. Kẻ nát rượu thường sống bê tha; lúc say rượu thì tính nết trở nên cục cằn, thô lỗ. "Rượu vào lời ra", thật chẳng sai. Trong trường hợp này thì quả là rượu đã làm hư hỏng con người. Mặc dù có câu nói: "Nam vô tửu như kì vô phong!", nhưng thanh niên học sinh chúng ta không nên tập uống rượu, đừng nên uống rượu.


2. Sau rượu là kiêu ngạo được nói đến. Kiêu ngạo là một tính xấu. Kẻ kiêu ngạo tự cho mình là hơn người, tự cho mình là nhất thiên hạ. Kẻ kiêu ngạo coi trời bằng vung, coi thiên hạ bằng nửa con mắt. ăn nói và cách sống thiếu khiêm tốn, lễ độ. Tướng cầm quân ra trận mà kiêu ngạo tất sẽ bại vong. Những kẻ chức trọng quyền cao, những người có vàng đầy két, bạc đầy rương, ngân phiếu có hàng tỉ mà kiêu ngạo cũng sẽ bị đồng loại coi thường. Học sinh mà kiêu ngạo thì bị thầy chê, bạn bè xa lánh, học hành sa sút dần, thi cử sẽ bị hỏng! Đúng kiêu ngạo làm hỏng con người. Kẻ kiêu ngạo sẽ bị thiên hạ coi khinh. Tuổi trẻ chúng ta phải biết sống khiêm tốn.


3. Còn sự giận dữ thì thế nào? Tính giận dữ là một trong những tính xấu, làm hư hỏng nhân cách. Có một số người thường đỏ mặt tía tai, nói to, gặp điều gì không vừa ý thì nổi khùng lên. Sự nóng giận làm cho con người mất bình tĩnh, mất khôn ngoan. Các cuộc ẩu đả lẫn nhau mà ta thường được chứng kiến là do những kẻ giận dữ gây ra. Các cuộc ẩu đả ấy là nước mắt, là máu. Sau sự giận dữ là nỗi buồn phiền hối hận không bao giờ nguôi!


Ta phải rèn luyện cho "mát tính", biết sống hiền lành, hoà thuận, khiêm nhường. Phải biết tự chủ trong lời nói, trong hành động. Phải biết xa lánh những kẻ thô lỗ cục cằn. Phải biết ghi sâu vào lòng câu tục ngữ "một điều nhịn, chín điều lành". Phải nhớ lời dạy của cổ nhân: "Tiểu bất nhẫn, bất thành đại sự".


Tóm lại, câu "Có ba điều làm hỏng một con người: rượu, tính kiêu ngạo và sự giận dữ" là một lời khuyên đẹp, một bài học quý báu đối với thanh thiếu nhi học sinh chúng ta. Bài học ấy giúp ta rèn luyện tính tình, rèn luyện phong cách sống để hoàn thiện dần nhân cách văn hoá, biết sống đẹp giữa đồng loại.

ST 

0 nhận xét:

Post a Comment