(GDVN) - Không ngoài dự báo, nhiều ngành khối C tiếp tục “ế”, rõ nét nhất là các ngành của khối sư phạm, khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV). Có ngành thí sinh thi ít hơn chỉ tiêu.
Thống kê hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) theo ngành của nhiều trường cho thấy hồ sơ tuy có tăng nhẹ nhưng hàng loạt ngành sư phạm, ngoại ngữ vẫn rơi vào cảnh thí sinh ít hơn chỉ tiêu. Bên cạnh đó, nhiều ngành công nghệ cũng trong cảnh tương tự. Đáng nói là tình trạng này không chỉ diễn ra ở các trường ĐH vùng, ĐH địa phương mà ngay cả các trường ĐH lớn, uy tín cũng không nằm ngoài bức tranh chung này.
Nhiều ngành sư phạm có rất ít thí sinh đăng ký dự thi (Ảnh minh họa) |
Nguy cơ đóng cửa nhiều ngành sư phạm
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - một trong những trường ĐH trọng điểm, chuyên đào tạo sư phạm nhưng theo số liệu thống kê hồ sơ theo ngành do trường này công bố, hàng loạt ngành có hồ sơ ít hơn chỉ tiêu rất nhiều.
Trong khi một số ngoài sư phạm có hồ sơ tăng so với năm 2011 thì ở chiều ngược lại, nhiều ngành sư phạm, ngoại ngữ lại giảm đáng kể. Chẳng hạn các ngành sư phạm tin học, vật lý, hóa học, sinh học đều có số hồ sơ ĐKDT giảm. Nhiều ngành sư phạm và cử nhân khác càng đáng ngại hơn khi hồ sơ chỉ lèo tèo so với chỉ tiêu.
Ngành giáo dục quốc phòng an ninh có 120 chỉ tiêu nhưng chỉ có 12 hồ sơ, sư phạm tiếng Nga, Pháp, vật lý, văn học quốc tế học đều có hồ sơ ít hơn chỉ tiêu.
Tại ĐH Đà Nẵng, các ngành sư phạm thuộc Trường ĐH Sư phạm tuy khả quan hơn nhưng tại Trường ĐH Ngoại ngữ, hồ sơ vào nhiều ngành ngoại ngữ lại hết sức đáng ngại. Các ngành sư phạm tiếng Pháp, Trung và các ngành ngôn ngữ Nga, Thái Lan đều có hồ sơ ít hơn chỉ tiêu. Thí sinh dự thi vào các ngành này sẽ “một mình một ngựa” thong dong mà không gặp phải sự cạnh tranh nào từ thí sinh khác.
Tại Trường ĐH Bách khoa, ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp chỉ có 40 hồ sơ trong khi chỉ tiêu ngành này là 60. Cũng với tình cảnh này, sư phạm tiếng Pháp tại Trường ĐH Cần Thơ chỉ có 26 hồ sơ trong khi chỉ tiêu là 40.
Tương tự, ông Hoàng Xuân Quảng - phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang - cho biết tình hình hồ sơ ĐKDT vào các ngành sư phạm năm nay cũng không mấy khả quan so với năm trước. Mặc dù trường chủ động giảm chỉ tiêu các ngành sư phạm nhưng nhiều ngành như sư phạm vật lý, sinh học, hóa học, tin... đều có hồ sơ ít hơn chỉ tiêu. Nhiều khả năng viễn cảnh đóng cửa nhiều ngành sư phạm như năm 2011 tại trường này sẽ tiếp tục diễn ra.
Trong kỳ tuyển sinh năm trước, hàng loạt ngành sư phạm tại Trường ĐH An Giang phải đóng cửa do không có người trúng tuyển.
Khối C lép vế
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hồ sơ ĐKDT năm 2012 vào ngành KHXH&NV với tỉ lệ 4,43% thí sinh dự thi cho thấy sự “lép vế” rất rõ của ngành này. Trên 1,8 triệu lượt hồ sơ chỉ có hơn 80.000 hồ sơ ĐKDT vào ngành KHXH&NV. Thực tế, khi xét theo số lượng hồ sơ thì nhóm ngành này lại giảm đến gần 8%, từ khoảng 87.000 hồ sơ năm 2011 còn 80.298 hồ sơ.
Ở ĐHQG Hà Nội, sự chênh lệch về nhóm ngành KHXH&NV và các nhóm ngành còn lại, nhóm hồ sơ thi khối C và các khối A, B, D vẫn khá lớn. Theo ông Đinh Việt Hải - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), tổng số hồ sơ dự thi khối C vào tất cả các trường, các khoa của ĐH này giảm từ 5.800 năm 2011 xuống còn 5.600. Sự sụt giảm mạnh mẽ nhất diễn ra ở ngành luật.
Tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), dù tổng số hồ sơ ĐKDT vào trường tăng khoảng 1.300 so với năm trước nhưng chủ yếu tập trung các ngành tuyển khối D1. Trong đó khối C chỉ có 3.979 hồ sơ, chưa đến 1/3 tổng số hồ sơ ĐKDT của trường này. Những ngành có lượng hồ sơ tăng tuyển khối D1 hoặc có thêm khối khác ngoài khối C (B, D1) như ngôn ngữ Anh (có lượng hồ sơ nhiều nhất), tâm lý học, du lịch, báo chí và truyền thông.
Cũng như những năm trước, các ngành triết học, lịch sử, giáo dục học, lưu trữ học... đều có tỉ lệ “chọi” rất thấp. Ba ngành học có số ĐKDT thấp nhất trường có dưới 100 hồ sơ là ngôn ngữ Tây Ban Nha, ngôn ngữ Đức và nhân học.
Nhắm mắt đào tạo
Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng VN đang trong giai đoạn phát triển mạnh các ngành dịch vụ thu hút nguồn nhân lực lớn nên cũng là cơ hội cho các trường đào tạo khối ngành kinh tế. Trường đào tạo kinh tế mở càng nhiều thì học trò càng đua nhau học vì có nhiều cơ hội và nhiều người học thì có thêm nhiều trường mở ra...
“Ở các nước, mỗi năm các doanh nghiệp phải báo với cơ quan nguồn nhân lực nhu cầu họ cần và việc này được thực hiện trước 20-30 năm. Trong khi ở VN cứ nhắm mắt đào tạo, không cần biết nhân lực ở từng ngành nghề thừa thiếu ra sao và cũng không biết trách nhiệm thuộc về ai” - ông Tuấn nói.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, sở dĩ những ngành khối C ngày càng ít thí sinh lựa chọn vì phần lớn những ngành này ra trường làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp. Cơ hội việc làm, lương bổng của những ngành này thường không cao. Chính khâu tư vấn hướng nghiệp hiện nay còn hạn chế, rất nhiều ngành học thú vị, cơ hội việc làm cao nhưng học sinh không biết đến.
Việc để học sinh chỉ tập trung vào nhóm ngành kinh tế sẽ tạo nguy cơ mất cân đối nguồn nhân lực trong xã hội. Nếu không chú trọng lĩnh vực then chốt, sẽ không thu hút được người giỏi vào những ngành công nghệ cao thì nước ta sẽ dần tụt hậu.
TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM, cho rằng hiện nay học sinh rất dễ tìm thấy thông tin tuyển dụng nhóm ngành kinh tế, trong khi thông tin này ở các ngành khoa học cơ bản lại rất hiếm. Thực tế, nhu cầu nhân lực của các ngành khoa học cơ bản cũng không nhiều và chủ yếu ở các trung tâm, viện nghiên cứu, đơn vị thuộc Nhà nước.
Sự lựa chọn ngành học của thí sinh còn phụ thuộc vào khối thi. Ở nhóm ngành kỹ thuật công nghệ có rất nhiều khối thi (A, B, D...), trong khi nhóm ngành KHXH&NV chủ yếu là khối C, D. Việc nhóm ngành khoa học xã hội liên tục “ế” chắc chắn dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực, cán bộ trong lĩnh vực này. Trong khi nhóm ngành khoa học xã hội gắn với đào tạo con người nên rất quan trọng và rất cần cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Nhóm ngành kinh tế “hạ nhiệt”
Mặc dù vẫn dẫn đầu về số hồ sơ ĐKDT nhưng thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy nhóm ngành kinh doanh và quản lý năm 2012 đã giảm độ nóng so với các năm gần đây. Không chỉ giảm về số lượng tuyệt đối, tỉ lệ hồ sơ ĐKDT vào nhóm ngành nào cũng giảm đến 1/4 so với năm 2011.
Theo đó, nếu năm 2011 nhóm ngành kinh doanh và quản lý chiếm đến 41,1% hồ sơ ĐKDT thì năm 2012, tỉ lệ hồ sơ ở nhóm ngành này giảm chỉ còn 30,44%. Thống kê theo số hồ sơ cụ thể thì sự sụt giảm này rất lớn, năm 2012 giảm đến 1/3 số hồ sơ đăng ký vào nhóm ngành này so với năm 2011, từ khoảng 800.000 hồ sơ xuống còn 550.000 bộ.
PGS.TS Nguyễn Văn Áng, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ GD-ĐT), khẳng định việc kéo tỉ lệ hồ sơ ĐKDT vào nhóm ngành kinh doanh và quản lý xuống 30% là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy cảnh báo mạnh mẽ của bộ về những ngành khó kiếm việc trong tương lai đã có những tác động nhất định đối với lựa chọn của thí sinh.
0 nhận xét:
Post a Comment