Rạng sáng ngày 16/5/2012 VINASAT 2 sẽ được phóng lên quỹ đạo. Ảnh: NT
Theo lịch trình được phía đối tác đưa ra thì ngày 16/5/2012, vệ tinh VINASAT 2 sẽ được phóng lên quỹ đạo. VINASAT 2 thuộc loại vệ tinh trung bình nhưng có dung lượng lớn hơn vệ tinh VINASAT 1.
Ông Hoàng Minh Thống, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình viễn thông của VNPT cho biết, đối tác đã thông báo cho VNPT là ngày 15/5/2012 (tức 5h13 phút rạng sáng ngày 16/5/2012 theo giờ Việt Nam) vệ tinh VINASAT 2 sẽ được phóng lên quỹ đạo. Tuy nhiên, thời điểm phóng vệ tinh phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. VINASAT 2 sẽ sử dụng bãi phóng giống như VINASAT 1 là FrenceGuiana. Theo dự kiến ban đầu, vệ tinh VINASAT 2 được phóng vào cuối tháng 3/2012.
VNPT cho biết, VINASAT 2 hướng đến mục tiêu chiến lược của quốc gia trong việc tăng cường năng lực, an toàn hạ tầng viễn thông, đáp ứng nhu cầu mở rộng sử dụng dung lượng vệ tinh của thị trường trong nước và khu vực mà VINASAT 1 hết khả năng cung cấp, đồng thời cũng làm dự phòng cho vệ tinh VINASAT 1.
Ông Hoàng Minh Thống cho hay, vệ tinh VINASAT 2 có dung lượng lớn hơn vệ tinh VINASAT 1 nhưng vẫn thuộc loại vệ tinh trung bình. VINASAT 2 sẽ phát triển trên băng tần KU với 24 bộ phát đáp, trong khi VINASAT 1 chỉ có 20 bộ phát đáp. Vệ tinh VINASAT 2 được Lockheed Martin sản xuất trên nền tảng khung A2100A và bàn giao trên quỹ đạo tại vị trí 131,8o Đông sau 24 tháng tính từ thời điểm hiệu lực của hợp đồng. Vùng phủ sóng vệ tinh: khu vực Đông Dương và một số nước lân cận. Tuổi thọ thiết kế của vệ tinh VINASAT 2 là 15 năm nhưng có thể kéo dài thời gian cung cấp dịch vụ tối thiểu là 16 năm.
VINASAT 2 có nhiều băng KU hơn VINASAT 1 nên đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng do nhu cầu khách hàng trên băng tần KU cao hơn. VINASAT 2 có tổng kinh phí đầu tư khoảng 260 - 280 triệu USD. VNPT vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ phóng của ArianSpace với tên lửa Arian 5 - loại tên lửa có độ tin cậy cao nhất hiện nay để phóng VINASAT 2. Theo VNPT, thời gian thu hồi vốn của VINASAT 2 dự kiến tương tự như VINASAT 1 là khoảng 10 - 12 năm.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết: "Vị trí quỹ đạo của VINASAT 2 có được nhờ thành công từ sự trưởng thành, tích cực của Cục Tần số Vô tuyến điện trong hợp tác quốc tế. Có được điều này là do chúng ta có được những chuyên gia giỏi hàng đầu thế giới tham gia cả một quá trình xây dựng, thay đổi thể lệ thông tin vô tuyến để từ đó có những sửa đổi về quy hoạch tần số cho vệ tinh. Chính vì thế, Việt Nam đăng ký gần như trọn vẹn vị trí quỹ đạo 107, 126, 131,8 nhưng thành công nhất chính là băng tần ở 2 vị trí 126 và 131,8 và có băng tần KU đủ để phát triển với công suất lớn cùng với vùng phủ tương đối rộng".
Ông Hoan tiết lộ thêm, mặc dù việc đăng ký tần số này nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải nước nào cũng thực hiện được. Dẫn chứng là khi phái đoàn Việt Nam sang đàm phán với Nga về 2 vị trí quỹ đạo này, Nga không tin Việt Nam có thể thay đổi, dịch chuyển để có được vị trí 126 và 131,8 cho Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) ghi vào bản tần số năm 2007. "Đặc biệt, vị trí 131,8 là sự chuyển dịch ngoạn mục của Cục Tần số Vô tuyến điện khi từ vị trí đăng ký dự thảo ban đầu cách đó rất xa đưa gần về vị trí sát 132. Lúc đó chúng ta mới có vị trí quỹ đạo để có ý tưởng cho vệ tinh thứ 2”, ông Hoan nói.
"Cục Tần số Vô tuyến điện không bao giờ nghĩ rằng Việt Nam chỉ có 1 vệ tinh mà không có vệ tinh dự phòng. Do đó, ý tưởng phóng vệ tinh thứ 2 gần như đồng thời với vệ tinh thứ 1, chủ yếu là lựa chọn quỹ đạo và băng tần nào", ông Hoan khẳng định.
Vẫn theo ông Hoan, Cục Tần số Vô tuyến điện cũng đề phòng trường hợp VINASAT 2 bị phóng chậm giống như VINSAT 1.
Vì vậy, tại Hội nghị vô tuyến thế giới năm 2012 WRC-12, Cục Tần số đã đề nghị Hội nghị xem xét và cho phép hồ sơ mạng vệ tinh VINASAT-FSS-131E-III (131.8E) của Việt nam được kéo dài 1 năm trong trường hợp trễ phóng do phóng kèm. Đề nghị của Việt Nam đã được Hội nghị chấp thuận. Đây là một thành công lớn, giúp Việt nam có cơ hội giữ được vị trí quỹ đạo trong trường hợp phóng trễ do phóng kèm. Ông Hoan cho biết, vệ tinh VINASAT 2 sẽ phóng thẳng lên quỹ đạo sử dụng chứ không phóng qua quỹ đạo dự phòng.
Theo: ictnews
0 nhận xét:
Post a Comment