Trong lúc giới khoa học phương Tây vẫn chưa tìm được gene giúp con người sống bao lâu tùy thích, hiện có một nhóm người lập dị nhưng cực giàu tại Thung lũng Silicon và vùng ngoại ô Moscow đang chuyển sự chú ý sang các dự án hứa hẹn mang lại một phiên bản mới của sự bất tử. Và hướng tiếp cận lần này có vẻ sẽ thành công.
Cái mà những người này đặt hy vọng được gọi là "bất tử kỹ thuật số". Theo Stephen Cave, tác giả quyển sách mới có tựa đề Immortality, bất tử kỹ thuật số không có nghĩa là hiện diện mãi mãi trên các trang mạng như Facebook hoặc Twitter. Theo tờ The Independent, đó là sự chuyển giao toàn bộ suy nghĩ, ký ức cho một người máy đại diện khi cơ thể sinh học bị hủy hoại. Đây được xem là kế hoạch B nếu khoa học thất bại không tìm được cách biến thân thể con người thành "kim cương bất hoại". Nói chung, có tìm được cách trường thọ thì cũng chẳng loại trừ được nguy cơ gặp tai nạn gây tử vong, trong khi người máy có thể được thay thế bằng cơ thể kim loại khác dù có bị xe buýt cán qua đi chăng nữa, Cave lý luận.
“Não của bạn sẽ được quét và mọi dữ liệu được tải lên mạng dưới dạng bit và byte. Toàn bộ hoạt động não bộ có thể được lưu trữ trong ngân hàng ký ức để khi cần thiết sẽ được hồi sinh dưới dạng hóa thân (avatar) như trong thế giới ảo của trò chơi Second Life”, Cave giải thích. Nghe qua giống như chuyện chỉ có trong khoa học viễn tưởng, nhưng các chuyên gia cho rằng sớm muộn gì cũng thực hiện được. Tiến sĩ Stuart Armstrong, nghiên cứu sinh tại Viện Tương lai của loài người thuộc Đại học Oxford (Anh), cho rằng vấn đề trên chỉ thuần túy là thách thức về kỹ thuật và có thể được giải quyết trong vòng một thập niên nếu con người chịu đầu tư công sức nghiên cứu, với quy mô như dự án Manhattan - phát triển vũ khí hạt nhân hồi Thế chiến 2 do Anh, Canada, Mỹ hợp tác thực hiện.
Tiến sĩ Randal A.Koene là một trong những người quyết định đánh cược vào dự án bất tử kỹ thuật số như cuốn sách của Cave đã mô tả. Koene là nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận gọi là dự án Phiên bản carbon, với mục tiêu thành lập một cộng đồng các nhà khoa học cùng chí hướng với mục đích cuối cùng là tạo ra phiên bản kỹ thuật số của người. Ấn Độ đã lên kế hoạch chế tạo siêu máy tính exaflop (1018 phép tính/giây), tức mạnh gấp 100 lần các siêu máy tính hiện tại, vào năm 2017. Còn những viện khoa học như Viện Khoa học trí tuệ Allen đang chi 300 triệu USD nhằm tìm ra phương pháp khám phá được cách bộ não mã hóa như thế nào, cũng như tải và thay thế thông tin.
Vấn đề ở đây là, cuối cùng, hóa thân bằng robot có phải là thành tựu đáng hoan nghênh, hay trên thực tế lại là một sự nguyền rủa không hơn không kém? “Nếu con gái tôi chết và tôi thay thế nó bằng một hóa thân điện tử để vượt qua được nỗi sầu khổ, liệu tôi có để nó lớn lên và thậm chí sinh con đẻ cái như người khác hay không?”, Cave tự đặt câu hỏi với mình. Bất chấp sự phản đối của nhiều chuyên gia, vốn cho rằng con người vốn dĩ phải tuân theo quy luật sinh diệt như bao loài khác, tiến sĩ Koene cho rằng sự bất tử như vậy là bước kế tiếp của quá trình tiến hóa của loài người “cho phép chúng ta tồn tại trước sự chọn lọc tự nhiên, dù trên trái đất này hoặc tại các hành tinh khác".
Theo Thanh Niên
0 nhận xét:
Post a Comment