New Post

Thursday, July 5, 2012


Bài viết hay về Nhà thơ Tố Hữu
+++++++++++++++++++++




Phân tích đoạn thơ tả bức tranh tứ bình :

Ta về mình có nhớ ta
…………………….
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung .


I .Mở bài 

Tố Hữu ( 1920-2002) được đánh giá là lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam .Ông để lại một sự nghiệp văn chương phong phú , giàu giá trị và một phong cách nghệ thuật độc đáo mang tính trữ tình-chính trị sâu sắc , đậm đà tính dân tộc . Rất tiêu biểu cho những tìm tòi sáng tạo không ngừng của nhà thơ là bài thơ Việt Bắc .Có thể nói , tinh hoa của tác phẩm lắng đọng trong mười câu thơ diễn tả nỗi nhớ của người về xuôi với cảnh thiên nhiên và con người Việt Bắc : 

Ta về mình có nhớ ta ,
Ta về , ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh , dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”


II.Thân bài

1.Giới thiệu chung 


Việt Bắc được Tố Hữu sáng tác vào tháng 10-1954 , ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi , các cơ quan trung ương Đảng và chính phủ từ Việt Bắc về lại thủ đô Hà Nội . Tố Hữu cũng là một trong số những cán bộ kháng chiến từng sống gắn bó nhiều năm với Việt Bắc , nay từ biệt chiến khu để về xuôi . Bài thơ như được viết trong buổi chia tay lưu luyến đó . 

Hoàn cảnh sáng tác tạo nên một sắc thái tâm trạng đặc biệt , đầy xúc động bâng khuâng . Tố Hữu đã vận dụng thành công thể thơ lục bát truyền thống , sử dụng sáng tạo cặp đại từ nhân xưng mình-ta , lối đối đáp quen thuộc của ca dao , giọng thơ tâm tình ngọt ngào , lời thơ đậm sắc thái dân gian để mở ra bao nỗi niềm nhớ thương , bao kỉ niệm về một thời kháng chiến gian khổ mà anh hùng . Qua đó nghĩa tình gắn bó thắm thiết thuỷ chung của những người kháng chiến với nhân dân, với Việt Bắc , với đất nước được bộc lộ một cách thấm thía , chân thành , cảm động .

Phần đầu của bài thơ , dưới hình thức đối đáp giữa mình và ta , đã tập trung khắc hoạ một khung cảnh tiễn đưa đầy thương nhớ , bịn rịn , bồn chồn , lưu luyến của kẻ ở người đi . Qua lời đối đáp ân tình , cảnh và người Việt Bắc hiện lên thật đẹp .

2.Phân tích đoạn thơ 

Và có lẽ đẹp nhất trong nỗi nhớ Việt Bắc là ấn tượng không phai về những người dân hoà quyện với thiên nhiên , núi rừng tươi đẹp : 

Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Đoạn thơ mở đầu bằng một câu hỏi tu từ , nhưng hỏi chỉ là cái cớ để bộc lộ chiều sâu tình cảm . Điệp từ “ta” và “nhớ” khẳng định , nhấn mạnh nỗi nhớ da diết của người về thủ đô. Phép liệt kê “ những hoa cùng người” nêu lên đối tượng của nỗi nhớ . Đó là những gì tươi đẹp nhất của chiến khu . Hoa là kết tinh hương sắc của thiên nhiên còn người là kết tinh vẻ đẹp của đời sống xã hội . Xét cho cùng , người cũng là một loại hoa của đất . Hoa và người đặt cạnh nhau càng tôn tạo vẻ đẹp cho nhau , làm sáng lên cả không gian núi rừng Việt Bắc trùng điệp . 

Những câu thơ tiếp theo tập trung tái hiện cụ thể , chân thực vẻ đẹp bốn mùa của chiến khu . Cảnh và người hoà quyện , đan xen vào nhau , cứ câu thơ lục tả cảnh thì câu thơ bát tả người . Mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng tạo thành một bức tranh tứ bình tràn ngập ánh áng , màu sắc , đường nét , âm thanh vui tươi , ấm áp .

Mở đầu cho bức tranh tứ bình là khung cảnh mùa đông : 

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng


Nhớ về mùa đông Việt Bắc , nhà thơ không nhớ về cái giá rét âm u mà lại nhớ tới những ngày nắng đẹp rực rỡ . Biện pháp tiểu đối “ rừng xanh” với “hoa chuối đỏ tươi” đã tái hiện một không gian rừng núi mênh mông , bạt ngàn màu xanh tươi của cây cỏ , ẩn hiện trong sắc xanh sống động đó là những bông chuối rừng ngời ngời sắc đỏ như những ngọn đuốc . Hai gam màu ấm nóng kết hợp với nhau tạo cảm giác vui tươi , làm ấm cả không gian , tạo ám ảnh trong tâm hồn con người . Trong núi rừng ấy không chỉ có những bông chuối đỏ tươi mà còn có những con người vượt lên không gian , xuất hiện trên đỉnh đèo cao ở tư thế đầy kiêu hãnh , xuất hiện trong ánh sáng lấp lánh của mặt trời phản chiếu vào chiếc dao đi rừng gài ngang lưng . Hình bóng con người lồng lộng trong không gian , giữa núi và nắng, giữa trời và rừng xanh chính là kết tinh vẻ đẹp của núi rừng , là điểm nhấn của núi rừng .

Hai câu thơ tiếp khắc hoạ cảnh mùa xuân : 

Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang


Hai động từ “nở trắng” đặt cạnh nhau vừa diễn tả bước đi của mùa xuân vừa nhấn mạnh vào màu sắc của Việt Bắc ngày xuân . Mùa xuân đến đem theo sức sống mới , làm cho từng cây , từng cây mơ nở hoa trắng rồi dần dần làm cho cả núi rừng tràn ngập sắc hoa trắng tinh khiết , dịu dàng , thơ mộng . Màu trắng của hoa mơ lấn át các màu sắc khác làm cả khu rừng như toả sáng , khiến cho lòng người không khỏi xao xuyến , bâng khuâng , nhung nhớ . Và nhà thơ đã nhớ đến những người đan nón . Hành động chuốt từng sợi giang là biểu hiện của sự cần mẫn , khéo léo , tài hoa trong tâm hồn , tính cách người dân Việt Bắc . Họ nhẫn nại , tỉ mỉ trong từng cử chỉ để tạo ra những sản phẩm đẹp cho đời . Câu thơ chứa đựng một thái độ trìu mến , thân thương , trân trọng những người lao động của nhà thơ Tố Hữu .

Tiếp đến , mùa hè chiến khu hiện lên trong âm thanh và màu sắc không thể nào quên : 

Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình


Qua cách miêu tả của nhà thơ , tiếng ve râm ran như khúc nhạc rộn rã không chỉ làm cho núi rừng vang động mà còn làm cho màu sắc cây lá biến đổi . Động từ “đổ vàng” đã diễn tả tài tình sự thay màu đột ngột của rừng phách . Khi tiếng ve vang lên báo hiệu hè đến , cả rừng phách xanh tươi bỗng khai nở muôn nghìn cánh hoa màu vàng óng ả như được trộn bằng mật ong và nắng rừng ngọt ngào . Trong giàn nhạc và thảm hoa ấy , nhà thơ nhớ đến một người em gái . Cô sơn nữ một mình trong núi rừng không gợi ấn tượng buồn hiu hắt mà lại mang vẻ đẹp khoẻ khoắn vì cô hiện lên trong tư thế lao động vất vả , giản dị nhưng cũng rất thơ mộng , vui vẻ .

Nhớ về mùa thu , nhà thơ không thể nào quên ánh trăng : 

Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung


Câu thơ mở ra một không gian tràn ngập ánh trăng thanh bình soi chiếu khắp núi rừng chiến khu . Ánh trăng ấy không chỉ mang vẻ đẹp tự nhiên mà nó còn gắn với niềm xúc động của những con người từng trải qua bao năm khốc liệt , gian khổ của chiến tranh . Trong khu rừng thấm đẫm ánh vàng ấy bỗng ngân nga lên tiếng hát ân tình làm rạo rực lòng người .Tiếng hát bộc lộ lòng người , bộc lộ tâm hồn thuỷ chung , tình nghĩa của con người Việt Bắc cũng chính là tấm lòng của người về xuôi với chiến khu . Thế nên dường như ánh trăng cũng ngời sáng hơn và tiếng hát cũng du dương và vang xa hơn. 

Như vậy , nỗi nhớ của người cán bộ về xuôi đã khắc sâu thiên nhiên núi rừng VB với vẻ đẹp vừa hiện thực vừa thơ mộng , thi vị , riêng biệt , độc đáo , khác hẳn những miền quê khác của Tổ quốc . Gắn liền với cảnh là những con người lao động bình dị nhưng chính họ đã gióp phần to lớn tạo nên chiến tháng vĩ đại của dân tộc . Chỉ những người gắn bó sâu nặng , coi VB là quê hương thân thiết mới có những xúc cảm , ấn tượng và nỗi nhớ da diêt như thế .

Nỗi nhớ VB còn được tác giả khắc sâu và mở rộng trong những đoạn thơ sau của tác phẩm . Theo dòng hoài niệm , VB trong kháng chiến hiện lên vừa gian khổ vừa hào hùng với niềm tin vào Đảng , vào Bác Hồ vĩ đại , với cảm hứng ngợi ca đất nước sâu sắc .

III. Kết bài .

Đoạn thơ ngắn 10 dòng trên mang âm điệu ngọt ngào , từ ngữ trong sáng giản dị giàu sức gợi , in đậm phong cách thơ Tố Hữu đã bộc lộ sự gắn bó sâu sắc của nhà thơ với Việt Bắc . Qua nỗi nhớ , niềm trân trọng tha thiết của nhà thơ , cảnh và người VB hiện lên thật gần gũi , chân thực mà thơ mộng , trữ tình. Thông qua tình cảm riêng của mình , Tố Hữu đã nói lên tình cảm của cả một thế hệ với quê hương đất nước , đã ngợi ca tình nghĩa thuỷ chung ân tình của nhân dân ta .

(Sưu tầm)

0 nhận xét:

Post a Comment