New Post

Saturday, July 7, 2012


Một số câu hỏi tìm hiểu đoạn trích vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"

Bài viết liên quan
++++++++++++
Câu 1: Em hãy trình bày những nét chính về cuộc đời và nghệ thuật của tác giả Lưu Quang Vũ . Hoàn cảnh ra đời , tóm tắt tác phẩm và vị trí đoạn trích ?

1- Tác giả :

Lưu Quang Vũ (1948-1988) quê gốc ở Đà Nẵng,sinh ở Phú Thọ trong một gia đình trí thức

+Từ 1965-1970 (17-22 tuổi) vào bộ đội và được biết đến như một nhà thơ tài năng đầy hứa hẹn.

+Từ 1970-1978 (22-30 tuổi) xuất ngũ làm nhiều nghề để mưu sinh.

+Từ 1978-1988 (30-40 tuổi) làm biên tập viên tạp chí Sân khấu ,bắt đầu sáng tác kịch và trở thành một hiện tượng đặc biệt của kịch trường những năm tám mươi của thế kỉ XX với những vở kịch đặc sắc như :Lời thề thứ 9, Lời nói dối cuối cùng, Nàng Xi-ta, Tôi và chúng ta, Hồn Trương Ba, da hàng thịt…

-Lưu Quang Vũ là một nghệ sĩ đa tài :làm thơ, vẽ tranh, viết truyện ,viết tiểu luận…Rất nhiều bài thơ của Lưu Quang Vũ được bạn đọc yêu thích :Tiếng Việt, Bầy ong trong đêm sâu…nhưng kịch là lĩnh vực thành công nhất của ông. Ông là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của văn học Việt Nam hiện đại.

-Năm 2000, Lưu Quang Vũ được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật

2- Tác phẩm:

a-Hoàn cảnh ra đời :

Hồn Trương Ba ,da hàng thịt được Lưu Quang Vũ viết năm 1981 nhưng đến năm 1984 mới công diễn và gây được ấn tượng mạnh đối với công chúng trong và ngoài nước. Từ một cốt truyện dân gian ,Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành một vở kịch nói hiện đại ,đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng, triết lí và nhân văn sâu sắc.

b-Tóm tắt tác phẩm: 

Trương Ba, một người làm vườn tốt bụng,khoẻ mạnh, giỏi đánh cờ bị Nam Tào bắt chết nhầm. Vì muốn sửa sai nên Nam Tào và Đế Thích cho hồn Trương Ba sống lại ,nhập vào thể xác hàng thịt vừa mới chết. Trú nhờ thể xác hàng thịt, hồn Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái : lí trưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi chồng, gia đình Trương Ba cũng cảm thấy xa lạ…mà bản thân Trương Ba cũng đau khổ vì phải sống xa lạ, giả tạo.Đặc biệt ,thân xác hàng thịt làm Trương Ba nhiễm một số thói xấu và những nhu cầu vốn không phải là của bản thân ông.Trước nguy cơ tha hoá về nhân cách và sự phiền phức phải mượn thân xác của kẻ khác,Trương Ba quyết định trả lại thân xác cho hàng thịt và chấp nhận cái chết.

3-Vị trí đoạn trích:

Văn bản được trích từ cảnh XII và đoạn kết của vở kịch diễn tả sự đau khổ dằn vặt và quyết định cuối cùng vô cùng cao thượng của Trương Ba sau mấy tháng hồn trú nhờ vào thể xác hàng thịt và gặp rất nhiều phiền toái …


Câu 2: Ý nghĩa của những lời độc thoại khẩn thiết của Hồn Trương Ba “Không.Không…” Qua đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt, tìm hàm ý mà tác giả gửi gắm.

-Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt:

*Trước khi diễn ra cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt, nhà viết kịch đã để cho hồn Trương Ba ngồi ôm đầu một lúc lâu rồi vụt đứng dậy với những lời độc thoại khẩn thiết ;

“-Không.Không.Tôi không muốn sống như thế này mãi1 Tôi chán cái chỗ không phải là của tôi này lắm rồi.Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này ,ta bắt đầu sợ mi,ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc !.Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó tách ra khỏi cái thân xác này dù chỉ một lát!”

=>Hồn Trương Ba đang ở trong một tâm trạng bức bối đau khổ vô cùng.

*Trong cuộc đối thoại với xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba ở vào thế yếu, đuối lí bởi Xác nói những điều mà dù muốn hay không muốn hay không muốn Hồn vẫn phải thừa nhận.

+Xác anh hàng thịt còn cười nhạo vào cái lí lẽ mà Hồn đưa ra để biện bạch : Ta vẫn còn một đời sống riêng,nguyên vẹn ,trong sạch, thẳng thắn…

+Trong cuộc đối thoại này ,xác thắng thế vì biết những cố gắng để tách khỏi Xác của Hồn là không thể nên tuôn ra những lời thoại dài với chất giọng khi thì mỉa mai cười nhạo,khi lên giọng dạy đời, chỉ trích châm chọc .Hồn lúc đầu mắng mỏ nhưng sau chỉ buông những lời thoại ngắn với giọng nhát gừng kèm theo tiếng than,tiếng kêu vì thấm thía nghịch cảnh của mình.

=>Hàm ý mà tác giả gửi gắm vào cuộc tranh cãi này là không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thể xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng thì đừng đổ tội cho thân xác.Không thể tự an ủi mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn. 

Câu 3: Qua lớp kịch hồn Trương Ba và gia đình (vợ,cháu gái và con dâu), anh chị thấy nguyên nhân nào đã khiến cho người thân của Trương Ba và cả chính Trương Ba phải rơi vào bất ổn, đau khổ? Trương Ba có thái độ như thế nào trước những rắc rối đó?

-Nỗi đau khổ và tuyệt vọng của Trương Ba càng được đẩy lên khi đối thoại với người thân.Người vợ nhất định đòi bỏ đi vì “Ông đâu phải là ông.”Còn cái Gái thì giận dữ vì cái bàn tay giết lợn của ông đã làm gãy chồi non ,bàn chân to bè như cái xẻng giẫm nát cây sâm quý mới ươm trong mảnh vườn của ông nội nó…Chị con dâu sâu sắc hơn biết thương cho hoàn cảnh trớ trêu của bố chồng nhưng rồi cũng nói “…chính con cũng không nhận ra thầy nữa.”…

-Nguyên nhân khiến cho người thân của Trương Ba và chính ông rơi vào bất ổn là bởi Trương Ba bây giờ đã thay đổi khi phải sống trong cái xác của hàng thịt. Hình ảnh ,thói quen thô lỗ…của anh hàng thịt không sai,không xấu nhưng nó chỉ thích hợp với bản thân một đồ tể thôi, còn với gia đình Trương Ba và cả chính bản thân Trương Ba thì không thể chấp nhận được vì nó quá xa lạ với họ.

-Nhân vật hồn Trương Ba bây giờ rơi vào cái thế bị mọi người xa lánh, sự tồn tại của ông vì thế mà trở nên vô nghĩa, thậm chí nặng nề ,bức bối.

Câu 4: Hãy chỉ ra sự khác nhau trong quan niệm của Trương Ba và Đế Thích về ý nghĩa của sự sống. Theo anh (chị ),Trương Ba trách Đế Thích ,người đem lại cho mình sự sống : “Ông cứ nghĩ là cho tôi sống, nhưng sống thế nào thì ông chẳng cần biết!” có đúng không?Vì sao? Màn đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích toát lên ý nghĩa gì?


Những lời độc thoại nội tâm của Trương Ba cho thấy thái độ quyết liệt của nhân vật này khi muốn thoát khỏi tình trạng giả tạo xác một nơi hồn một nẻo của mình : “Có thật là không có cách nào khác?” và sự khẳng định dứt khoát: “Không cần cái đời sống do mày mang lại ! Không cần!. Đây là lời độc thoại dẫn tới quyết định châm hương gọi Đế Thích một cách dứt khoát.

-Cuộc trò chuyện giữa Trương Ba và hàng thịt trở thành nơi tác giả gửi gắm những quan niệm về hạnh phúc,về lẽ sống và cái chết.Lời thoại sau đây thật có ý nghĩa:

“-Sống nhờ vào đồ đạc của cải của người khác đã là chuyện không nên, đừng này đên cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống chứ sống như thế nào thì ông cũng chẳng cần biết !”

=>Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá ,khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Đế Thích có cái nhìn khá hời hợt về cuộc sống của con người nói chung và của Trương Ba nói riêng. Nhân vật Hồn Trương Ba đã ý thức sâu sắc về tình cảnh bi hài của mình và quyết tâm giải thoát.

Câu 5: Khi Trương Ba cương quyết đòi trả xác cho hàng thịt, Đế Thích định cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị, Trương Ba đã từ chối .Vì sao?

-Khi Trương Ba cương quyết đòi trả xác cho hàng thịt, Đế Thích định cho hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị, Trương Ba đã từ chối .Đây là kết quả của một quá trình diễn biến hợp lí. Hồn Trương Ba thử hình dung mình lại nhập vào xác cu Tị và thấy rõ bao nhiêu sự rắc rối vô lí lại tiếp tục xảy ra. Tình thương mẹ con Cu Tị cũng là một nguyên nhân khiến ông nhanh chóng quyết định dứt khoát xin Đế Thích gọi hồn cu Tị trở về. Hành động bẻ bó nhang của ông cho thấy ông là con người nhân hậu, có quyết định dứt khoát và tự trọng ,hiểu ý nghĩa của cuộc sống.

-Cái chết của cu Tị có ý nghĩa đẩy nhanh diễn biến kịch đi đến chỗ mở nút một cách hợp lí bởi nếu chậm thì việc cứu cu Tị sẽ không còn kịp nữa

Câu 6: Cảm nghĩ của anh chị sau khi đọc đoạn kết ?

Trương Ba đã trả lại xác cho anh hàng thịt, chấp nhận cái chết để linh hồn được trong sạch và hoá thân vào những sự vật thân thương ,tồn tại vĩnh viễn bên cạnh những người thân yêu của mình. Cuộc sống lại trở về với qui luật vốn có của nó. Màn kết với chất thơ sâu lắng đã đem lại âm hưởng thanh thoát cho một bi kịch lạc quan và truyền đi thông điệp về sự chiến thắng của sự sống đích thực, của chân , thiện ,mỹ.

Câu 7: Dựa vào đặc điểm thể loại KỊCH,em hãy nêu đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm?

-Đối thoại kịch đậm chất triết lí, giàu kịch tính đã góp phần tạo nên chiều sâu cho vở kịch ( đối thoại giữa hồn Trương Ba với xác hàng thịt, người thân Trương Ba và Đế Thích ..)

-Hành động kịch của nhân vật phù hợp với hoàn cảnh , tính cách, góp phần phát triển tình huống truyện (thoát xác, đốt hương , bẻ hương…).

- Những đoạn độc thoại nội tâm của nhân vật hồn Trương Ba góp phần thể hiện rõ tính cách nhân vật và quan niệm về lẽ sống đúng đắn

Câu 8: Chủ đề tư tưởng của đoạn trích là gì?

Qua đoạn trích, Lưu Quang Vũ đã truyền đi bức thông điệp: Được sống làm người quí giá thật nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn với những giá trị mà mình vốn có càng quí giá hơn.Sự sống chỉ thật sự có ý nghĩa khi con người được sống theo lẽ tự nhiên ,hài hoà thể xác và tinh thần . Con người phải biết luôn đấu tranh với nghịch cảnh, với chính bản thân ,chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quí.

(Sưu tầm)

0 nhận xét:

Post a Comment