Chữ "DANH" trong cuộc sống
Từ khi có xã hội loài người, mỗi cá thể trong cộng đồng bắt đầu có một cái tên. Khi xã hội phân chia giai cấp rõ rệt, bên cạnh tên kèm theo những “phụ đề” để chỉ đẳng cấp xã hội, như: quý ông, quý bà, quý cô, thảo dân, thứ dân... Từ đấy bắt đầu có sự rắc rối cho chữ DANH. Con người ta đi đến chữ DANH bằng năm bảy đường khác nhau: Người thì dựa vào tài đức chính mình; kẻ phải cậy vào tiền tài, thế lực người khác; người thì lưu danh nhờ những công trình lợi dân, ích nước; kẻ để tiếng bằng những thủ đoạn xấu xa.
Trong cuộc sống, lắm khi chữ DANH gắn với chữ LỢI (danh lợi) khiến con người ta bằng mọi giá để đạt được dù là hư danh. Cho nên có DANH đấy, thực chất không có giá trị gì, lúc này trở thành không có danh giá, mất danh dự.
Tiếc rằng, dư luận xã hội vẫn chưa lên án mạnh mẽ, quyết liệt với những hiện tượng háo danh chạy bằng, chạy chức, chạy học vị, chạy các loại danh hiệu này nọ. Nhiều vị chạy học hàm kiếm cho bằng được DANH giáo sư, phó giáo sư dù chẳng dạy giờ nào, mà dù có dạy cũng không ai chịu khó nghe lần thứ hai, các vị này thường được gọi là “giáo sư gây mê”. Tri thức xã hội không vì thế mà giàu lên, trái lại “đạo học” có nguy cơ suy vong, khan hiếm nhân tài đích thực.
Chúng ta biết rằng, trong thực tiễn quản lý, nhất là ở tầm hoạch định chính sách, nhiều vấn đề phát sinh không có trong sách vở, các thông lệ. Hơn nữa, công cuộc đổi mới cũng như cải cách hành chính và những vấn đề bức xúc của Nhà nước ta chưa có tiền lệ. Vì thế, nếu chỉ biết “nhai lại” mà chỉ số thông minh thấp thì khó có khả năng đề xuất giải quyết những vấn đề bức xúc có tính đột phá. Có chỉ số thông minh và chỉ số xúc cảm cao mới có điều kiện để năng động, sáng tạo nhạy bén!
Vừa qua (17-7), Chủ tịch nước Nguyên Minh Triết cùng Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải đến thăm và mừng thọ nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, một người được đánh giá là có đầu óc siêu việt do tự học nhưng không màng bằng cấp. Ông tâm sự một cách bức xúc rằng, cách thức bổ nhiệm, sử dụng con người thông qua tiêu chuẩn bằng cấp ở nước ta hiện đang có “vấn đề” cần nghiên cứu. Chủ tịch nước Nguyên Minh Triết góp vào câu chuyện bằng một thực tế thỉnh thoảng xảy ra: Cán bộ yếu thì cho đi học, bắt cán bộ giỏi làm thay; đến khi bổ nhiệm thì nhờ có bằng cấp nên cán bộ yếu được đề bạt... (Báo Tuổi Trẻ 18-7).
Xin kết lại chuyện danh và thực bằng đoạn văn của Trương Đông Sơ trong Cổ học tinh hoa:
Sĩ, đại phu (người làm quan) nên vì đời mình mà tiếc danh, không nên vì đời mình mà mua danh. Có học thức, chuộng khí tiết, lấy hay cho phải cẩn thận, uy nghi phải trang trọng, ấy thế là tiếc danh. Tâng bốc lẫn nhau, a dua những kẻ quyền quý, làm ra kiểu cách khác thường, lờ mờ hai mặt, ấy thế là mua danh. Người tiếc danh thì yên lặng mà hay, kẻ mua danh thì rực rỡ mà dở.
(Sưu tầm)
0 nhận xét:
Post a Comment