“Học tài thi phận”, đó là một kết luận chính xác đối với những thí sinh thật sự có khả năng, thậm chí rất giỏi nhưng chẳng may bị hỏng thi. Loại trừ những nguyên nhân khách quan cho sự chẳng may như: bất ngờ đau yếu trong người, gặp chuyện bi ai trong gia đình…; thì nguyên nhân lớn nhất làm giảm sút khả năng của người đi thi chính là: “áp lực tạo nên căng thẳng”. Hẳn nhiên áp lực càng lớn thì kết quả của bài thi bị giảm sút càng nhiều.Vậy những lý do tạo nên áp lực đó là gì? Ta có thể loại trừ nó hoặc làm giảm thiểu tác hại của nó được không? Muốn cho lo lắng không còn đè nặng trong tâm trí, ta cần phải làm những gì để bước vào kỳ thi với một tâm trạng thoải mái, tự tin hầu đạt được kết quả đúng như khả năng của mình?
Ta không thể làm gì để chiến đấu với nó, khi nó là những áp lực đeo đẵng nhưng “vô hình”. Chỉ có sự nhận biết rõ ràng thì nỗi lo sợ cùng với những nguyên nhân của nó sẽ không còn mơ hồ nữa. Một khi thấy rõ sự bối rối của mình, thấy được nguyên do của nó, xác định được nó, rồi thì ta mới có thể đối trừ hoặc sống chung hòa bình với nó. Vì thế, mặc dù bạn có sự tự tin, tin rằng mình đủ khả năng sẽ đỗ như bao người khác. Nhưng thấp thoáng bên cạnh đó, sự âu lo khi ẩn khi hiện có thể vẫn còn trong tâm trí, ít nhiều cũng sẽ gây bối rối cho bạn.
Sát đến ngày thi, bạn xếp đặt lại thời gian ôn tập, dành riêng những buổi chỉ để thư giản nghỉ ngơi, chuẩn bị sức chiến đấu tốt nhất cho cuộc thi. Nhưng bạn nào có thực sự xã hơi được đâu! Bị cái mặc cảm:”coi chừng, mình là người làm biếng” ám ảnh, khiến bạn cho dù học không vô, vẫn cứ cắm cúi vào sách vở. Muốn nghe nhạc, xem phim hoặc chỉ là đi dạo một chút cho tỉnh táo thì cũng kè kè giáo trình, bài tập trên tay, dù chỉ cầm cho có. Tại sao bạn phải “diễn” như vậy? - Bạn làm như thế là để tự trấn an mình, để thấy mình không phí phạm thời gian, để thấy mình không phải là kẻ hư hỏng, bạn muốn nghĩ rằng: “ta không phải người làm biếng”.
Lòng mong ước sẽ thi đỗ, đạt được thứ hạng cao nhất càng tốt, bạn đang muốn khẳng đinh mình, muốn được sự ngưỡng mộ của mọi người, bạn lo sợ người khác đánh giá mình là kẻ thất bại. Điều này có vẻ như là hiển nhiên, cảm thấy phấn khích khi được ai đó đánh giá cao nên bạn luôn quan tâm lo lắng đến những gì người khác nghĩ về mình. Nhưng theo nó đến đâu để có điểm dừng, mức giới hạn nào để bạn có thể giãi quyết nó khi thất bại là một vấn đề khó khăn. Bởi vì, nếu nó chỉ là kỳ vọng của gia đình, của cha mẹ; nếu nó chỉ là mong ước có một khởi đầu tốt đẹp cho tương lai của mình, bạn cũng sẽ rất lo lắng. Dù vậy, nó mang ý nghĩa là động lực giúp bạn học tập, phấn đấu nhiều hơn, nó không phải là nỗi ám ảnh vô phương giải quyết. (Những cố gắng, những nổ lực của bạn cha mẹ cũng đã thấy. Nếu bạn hỏng thi, gia đình cùng sẽ thông cảm. “Thua keo này ta bày keo khác”, dù hỏng thi bạn vẫn còn nhiều phương án để tiếp tục như: học nghề, học trung cấp-cao đẳng, hoc trường khác hoặc sang năm thi lại v.v….) Trong khi đó, chính sự xấu hổ: “nếu thi rớt, không biết mình giấu cái mặt đi đâu!” lại là sự lo lắng trầm trọng nhất. Bởi vì bạn không thể nào điều chỉnh được những gì người ta nghĩ về bạn, muốn được ngưỡng mộ, bạn nghĩ, chỉ có một phương cách duy nhất là phải đậu, không có giải pháp thay thế! Rõ ràng, lo lắng tạo nên áp lực khiến bạn bối rối, giảm khả năng tập trung. Trong đó cái áp lực có nguyên nhân do sự quan tâm, lo lắng những gì người khác nghĩ về mình là một áp lực khó gỡ nhất và vô duyên nhất. Cái viễn cảnh xấu hổ vì thi rớt sẽ tạo nên sự sợ hãi và không dừng lại, nó sẽ tiếp tục tạo thêm những lo lắng như: sợ đề thi khó, không hợp gu với mình, sợ tỷ lệ “chọi” cao quá, sợ, sợ và sợ….
Vậy bạn hãy xem lại, những gì người khác nghĩ về mình có thật sự quan trọng không? Mà có chắc là người ta có nghĩ gì về mình không nữa! Mỗi người đều có bao nhiêu việc riêng phải lo, những công việc mà họ phải làm: cơm áo gạo tiền, tình yêu, sức khỏe…. Nên bạn không đủ quan trọng trong mắt người khác để cứ bị chú ý đến mãi, cái kết quả bạn thi đâu có đáng để họ quan tâm, có lẽ cái mụn nhọt họ mới bị mắc phải thì quan trọng hơn đối với họ. Thế nên, bạn cứ vững tâm đi thi, sử dụng hết khả năng của mình làm bài cho tốt. Xét cho kỹ, áp lực là cũng do chính mình tạo ra mà thôi. Một lần nữa, bạn nên biết:
Không vì chuyện đậu – rớt mà cha mẹ sẽ thêm thương yêu hay ghét bỏ bạn (bạn đã cố gắng với tất cả những gì có thể). Và chắc chắn, bạn sẽ có phương cách giãi quyết cho trường hợp của bạn, tùy theo hoàn cảnh sau kỳ thi! Còn người ta nghĩ gì về bạn à? Kệ họ, quên đi….Không ai “thèm” nghĩ gì về bạn đâu!
(theo Hiếu học)
0 nhận xét:
Post a Comment